|
Views:
dark-mode-label OFF
Font size: A- A A+
Đọc bài viết
DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH - CHÙA LÀNG THÂN

  DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH - CHÙA  LÀNG THÂN

          I. ĐÌNH THÂN (Di tích lịch sử cấp Quốc gia)

         1. Di tích

        Đình Thân là nơi thờ phụng tôn nghiêm những danh thần có công lao to lớn trong công cuộc chống giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc; thời kỳ đầu nơi đây thờ Thành Hoàng là Đức Thánh Cao Sơn và Quý Minh Đại Vương là những vị tướng tài thời Hùng Vương, biểu tượng cao đẹp về lòng yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

       Thông qua nội dung các tư liệu còn lưu giữ ở đây, như: sự tích, sắc phong, câu đối, văn cúng tế… đã khẳng định được nơi đây thờ các vị tướng thời Hùng Duệ Vương và các công chúa của nhà Lý, xếp theo trình tự thời gian thì ở Đình Thân thờ các vị như sau:

       * Thời Hùng Duệ Vương có các vị:

       - Cao Sơn Đại Vương thượng đẳng Thần

       - Quý Minh Đại Vương thượng đẳng Thần

       - Phương Dung- Nữ Thần Âm Phù

       * Thời Lý có các vị:

       - Bình Dương Công Chúa

       - Thiên Thành Công Chúa

       - Thiên Cực Công Chúa

       Sang thời kỳ lịch sử cận hiện đại kể từ khi thực dân Pháp xâm lược, đình Thân đã là căn cứ của quân dân ta, nơi cơ sở hoạt động của tổ chức cách mạng và kháng chiến. Nơi đây là điểm căn cứ đi về hoạt động của các chiến sỹ cách mạng trong thời kỳ tiền khởi nghĩa và sau này là những năm tháng kháng chiến chống Nhật, Pháp. Cũng chính nơi đây tháng 3/1943 Đảng Cộng sản ở Lục Nam đã cử đồng chí Kiên về xây dựng cơ sở của đảng và giác ngộ những người con ưu tú của quê hương đi theo cách mạng đó là các ông (Ông Huyên, ông Tài, ông Tuy, ông Vượng, ông Thắng, ông Mốc, ông Mẫn, ông Cầm, ông Lưu...). Đồng thời cũng chính nơi đây ngày 25/7/1945 Đội du kích họp bàn và tổ chức nhân dân đánh đổ Nhật xây dựng ủy Ban cách mạng lâm thời.

       Thời kỳ chống Mỹ, Đình Thân là nơi tập trung đưa tiễn lớp lớp những người con quê hương lên đường đánh giặc cứu nước. Ngày 02/9/1969 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời Huyện uỷ - UBND huyện Lục Nam đã lấy nơi đây là nơi tổ chức lễ truy điệu Bác rất trọng thể, trang nghiêm. Rất đông cán bộ, các tầng lớp nhân dân các dân tộc trong huyện đã về đây dự lễ truy điệu Bác.

       Thời kỳ sau năm 1975 giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước Đình Thân ngoài việc phục vụ văn hoá tín ngưỡng và sinh hoạt cộng đồng của làng Thân, Đình còn là nơi cấp uỷ, chính quyền thôn bàn bạc thống nhất phương thức sản xuất thâm canh tăng vụ, đặc biệt thời kỳ đổi mới Đình là nơi Ban chủ nhiệm Hợp tác xã Thanh xuân bàn đưa ra quyết sách thâm canh tăng vụ, nâng cao hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp; giai đoạn 1986-1992 hợp tác xã Thanh Xuân là lá cờ đầu trong sản xuất, kinh doanh giỏi của 04 huyện miền núi Tỉnh Hà Bắc, thành tích đó được Chủ tịch nước tặng Huân chương lao động Hạng ba năm 1991.

       Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, ngôi Đình vẫn giữ nguyên nét uy nghi cổ kính, độc đáo; Với những giá trị lịch sử văn hóa nghệ thuật nêu trên Đình Thân đã được xếp hạnh Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia theo Quyết định số 502-QĐ/BT, ngày 28/04/1994 của Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

       Phát truyền thống dân tộc, cấp ủy chính quyền và nhân dân làng thân nay là tổ dân phố Thân Bình, Thân Phú, Thanh Tân, các công ty doanh nghiệp; các con em địa phương đang học tập và công tác trên mọi miền tổ Quốc hàng năm đã công đức, tôn tạo khu di tích ngày thêm khang trang, tố hảo.

       Nơi đây hàng năm cũng là nơi giáo dục truyền thống cho lớp lớp các thế hệ thanh, thiếu niên trên địa bàn.

       2. Kiến trúc

       Đình Làng Thân còn là công trình kiến trúc văn hóa, nghệ thuật cổ thời Lê (thế kỷ XVII-XVIII) có giá trị độc đáo tiêu biểu về nghệ thuật. Hiện nay, đình có bố cục bình đồ hình chữ Đinh gồm tòa Tiền đình 03 gian 02 trái và tòa Hậu cung 2 gian. Giá trị về kiến trúc nghệ thuật chủ yếu được thể hiện ở tòa Tiền đình với quy mô kiến trúc đồ sộ, lối kẻ trường độc đáo tạo cho mái đình có độ dốc lớn, nghệ thuật chạm khắc tinh xảo trên khắp các đầu dư, đầu kẻ như chạm nổi, chạm lộng các đề tài hình lá lật, hình thú sinh động, hài hòa, các đường nét trạm trổ, đồ thờ thanh thoát tinh xảo đậm nét kiến trúc nghệ thuật thời Lê. Lịch sử xây dựng Đình Thân trên câu đầu Đình hiện còn rõ chữ khắc ghi rằng “Quý tỵ niên, nhị nguyệt, nhị thập, ngũ nhật cất nóc”. Nghĩa là Đình được khởi dựng ngày 25 tháng 02 năm Quý Tỵ (1713) dưới triều đại Lê Dụ Tông, niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 8. Ngôi Đình có kiến trúc cổ độc đáo, tiêu biểu về nghệ thuật đến nay đã trên 300 năm tuổi, đặc biệt những đường nét trạm khắc được thể hiện ở các đầu dư mõm kẻ là đề tài tứ linh (Long, Ly, Quy, Phượng) hình vặn xoắn, mây cuộng phong phú làm cho ngôi Đình thêm linh thiêng và đậm nét nghệ thuật.

Di tích lịch sử quốc gia Đình Thân
Di tích lịch sử quốc gia Đình Thân

        II. CHÙA (Di tích lịch sử cấp tỉnh)

       1. Di tích

       Chùa Thân (Phúc Khánh Tự) là di tích được nhân dân địa phương xây dựng từ lâu đời để thờ Phật. Trải thời gian, chùa được nhân dân địa phương tu tạo nhiều lần. Căn cứ vào hiện trạng di tích, các di vật, cổ vật có trong di tích cho biết vào năm Tự Đức thứ 2 (1849) nhân dân trong thôn cùng nhau khuyên góp tiền của đúc quả chuông đồng. Vào năm Thành Thái thứ 7 (1895) hương thân cùng các bậc trên dưới trong thôn Thân đã cùng nhau lập ký kỵ hậu bi. Năm Thành Thái thứ 17 (1905) kì lão cùng các bậc trên dưới trong toàn thôn Thân tu sửa hậu đường. Như vậy, có thể nhận định rằng chùa Phúc Khánh phải được xây dựng từ trước năm 1849, bởi có chùa rồi mới có việc tu sửa, đúc chuông và lập bia hậu Phật.

       Đây là công trình tôn giáo được xây dựng từ lâu đời là trung tâm sinh hoạt văn hoá tôn giáo chung của nhân dân địa phương và nhân dân trong vùng. Chùa còn lưu giữ nhiều hiện vật bằng chất liệu đá quý có niên đại cổ thời Nguyễn năm 1895 và lưu giữ nhiều đồ thờ tự có giá trị nghiên cứu lịch sử mỹ thuật truyền thống của dân tộc. Năm 2010 Chùa Thân (Phúc Khánh Tự) đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cấp bằng xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh.

       2. Kiến trúc

      Chùa Phúc Khánh toạ lạc trong quần thể di tích Đình, Chùa cổ kính theo bình đồ kiến trúc tiền Phật hậu Thánh truyền thống nằm trên khuôn viên đất rộng 1062,0m2, ngoảnh hướng Tây, của làng quê Việt. Chùa Tay, cảnh quai quan nơi đây thoáng rộng, có cây cổ thụ (xà cừ) toả bóng xanh mát, tô điểm cho di tích thêm uy linh, cổ kính. Bình đồ kiến trúc của chùa hiện nay được thiết kế theo bố cục hình chữ đinh, bao gồm toà tiền đường và toà thượng điện. Từ ngoài đường, đi thẳng vào tam quan chùa (chung cổng với Đình Thân). Tam quan gồm 3 cửa: 1 cửa chính và 2 cửa phụ. Ngăn cách giữa các cửa là những cột đồng trụ. Trên đỉnh cửa chính tam quan có làm theo kiểu chồng diêm, đỉnh nóc có đắp hình “Lưỡng long chầu nguyệt”. Trên đỉnh hai cột đồng trụ chính có đắp 4 con phượng hoàng chung thân, hai bên có một cặp câu đối nội dung ca ngợi cảnh chùa. Ở trên đỉnh hai cột đồng trụ con, mỗi cột đắp một con nghê trầu vào nhau, hai bên có một cặp câu đối nội dung ca ngợi đạo lý tốt đẹp của nhà Phật. Đi qua tam quan theo con đường lát gạch chỉ, vào khoảng 30m ta bước vào sân chùa. Sân được lát gạch Turab vuông và gạch chỉ, nối với nội tự bằng hệ thống bậc nhị cấp. Toà tiền đường chùa Phúc Khánh được tạo bởi 3 gian, hai hồi hai bên được xây theo lối tường hồi bít đốc. Hệ mái tòa tiền đường gồm một mái trước và một mái sau, lợp ngói mũi hài tường xây gạch chỉ, mái lợp ngói mũi, bờ nóc, bờ chảy xây gạch chỉ, ngoài phủ áo vữa soi gờ. Chính bờ nóc để trơn không trang trí. Hai đầu hồi trước tòa tiền đường xây hai cột đồng trụ, thân đề câu đối chữ hán. Ba gian tòa tiền đường được xây thụt vào tạo hàng hiên nhỏ phía trước, lắp cửa ván lùa.

Di tích lịch sử cấp tỉnh Chùa Thân

      

Khuôn viên Đình Thân

 III. LẾ HỘI TRUYỀN THỐNG

       Hiện nay, các nghi thức Tế Lễ vẫn được duy trì vào các ngày sự lệ và mùng 01 âm lịch hàng tháng.

Lễ hội truyền thống Đình - Chùa làng thân đc tổ chức thường niên vào các dịp đầu xuân, nhằm ngày 11, 12, 13 tháng giêng hằng năm.

       1. Phần Lễ

       - Lễ Rước Kiệu, nghi lễ này diễn ra vào ngày khai hội, người tham gia rước kiệu được lựa chọn là các thanh niên, trai tráng  trong làng. Đoàn rước đi từ Đình qua Điếm Nghè rước bát hương về đình để thờ cúng, sau 03 ngày Lễ hội sẽ rước bát hương trở lại Nghè. (Nghè là miếu thờ nằm trong khu di tích tịch sử của Đình)

       - Lễ tế được tổ chức vào buổi tối ngày khai hội, các cụ cao liên tổ chức Lễ tế Thành Hoàng Làng, dân trong làng thường mang những sản vật địa phương dâng lễ, cầu cho một năm bình an kháng thái.

Lễ rước Thành Hoàng

      

Lễ hội truyền thống

       2. Phần hội

       - Vật cổ truyền

       - Hát Quan họ trên thuyền

       - Cờ tướng

      Lễ hội truyền thống được tổ chức hằng năm đáp ứng đời sống tinh thần, nhu cầu tâm linh của nhân dân, đồng thời thể hiện sự mến mộ của các thế hệ người dân địa phương đối với khách thập phương gần xa, để nhân dân địa phương và quý khách thập phương được vui chơi thi tài, tạo niềm vui phấn khởi để sau lễ hội nhân dân phấn khởi lao động, sản xuất tốt hơn.

https://maps.app.goo.gl/KTp8Mv7QTs1HEAy78?g_st=ic

                                                                                                              Đoàn Thanh niên thị trấn Đồi Ngô thực hiện tháng 3/2023

User Online: 15,254
Total visited in day: 356
Total visited in Week: 414
Total visited in month: 5,448
Total visited in year: 56,127
Total visited: 134,811